Chiều ngày 20/1, nhiều trường đại học tại Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với nhiều thay đổi đáng chú ý. Các trường tăng cường sử dụng kỳ thi đánh giá năng lực, mở ngành mới và cải tiến các phương thức xét tuyển nhằm đảm bảo chất lượng tuyển sinh.

1. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã có lộ trình để không phụ thuộc quá nhiều vào việc thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, tỉ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực do trường tổ chức sẽ tăng dần qua các năm và giảm dần tỉ lệ sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT.
2. Trường Đại học Hà Nội
Trường Đại học Hà Nội cho biết, trong 10 năm trở lại đây, nhà trường luôn duy trì ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT, xét tuyển kết hợp và xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Nhà trường cố gắng duy trì 3 phương thức nêu trên. Trường hợp thay đổi, sẽ có sự điều chỉnh thêm, bớt các tiêu chí.
3. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dự kiến tuyển sinh 3.000 thí sinh vào năm 2025, tăng 700 chỉ tiêu so với năm 2024. Trường sẽ áp dụng ba phương thức xét tuyển: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng và xét tuyển qua chứng chỉ quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, trường sẽ mở mới các ngành học như Truyền thông Đa Phương tiện và Quản trị Nhân lực.
4. Trường ĐH Luật Hà Nội mở hai chương trình chất lượng cao
Năm 2025, trường đặt chỉ tiêu 2.650 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm ngoái. Hai chương trình chất lượng cao gồm Luật (240-300 chỉ tiêu) và Luật Kinh tế (80-100 chỉ tiêu). Trường giữ ổn định 4 phương thức xét tuyển như năm trước.
5. ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia HN tăng chỉ tiêu và mở 4 ngành mới
Trường tuyển 4.120 sinh viên, xét tuyển theo thi THPT, SAT, A-Level, ACT và thi đánh giá năng lực (HSA). Ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng Thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu và Công nghệ sinh học.
6. ĐH Y Hà Nội mở thêm 2 ngành mới
Trường dự kiến giữ ổn định các phương thức xét tuyển nhưng có điều chỉnh tổ hợp. Hai ngành mới gồm Công tác xã hội và Kỹ thuật hình ảnh y học.
7. ĐH Kinh tế Quốc dân hạn chế tổ hợp xét tuyển
Trường giảm tổ hợp xét tuyển từ 10 xuống còn 6 tổ hợp chính, ưu tiên tổ hợp truyền thống như A00, A01, D01. Đồng thời, trường tăng chỉ tiêu xét tuyển dựa trên đánh giá năng lực và học bạ.
8. Trường Đại học Thăng Long
Trường Đại học Thăng Long (TLU) dự kiến tuyển sinh 3.000 chỉ tiêu theo 5 phương thức xét tuyển như sau:
Phương thức 1: Xét tuyển dựa theo kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với chứng chỉ quốc tế.
Phương thức 3: Xét tuyển dựa theo kết quả kì thi Đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hoặc kì thi đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức hoặc kì thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT (học bạ).
Phương thức 5: Xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT (học bạ) với điểm thi năng khiếu.
Trường Đại học Thăng Long dự kiến sử dụng các tổ hợp mới như A0C - Toán, Vật lí, Công nghệ; A0T - Toán, Vật lí, Tin học để xét tuyển cho các ngành thuộc lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin.
Các trường đại học trên toàn quốc sẽ tiếp tục công bố phương án tuyển sinh chi tiết trong thời gian tới.
9. Trường Đại học Giao thông Vận tải
TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, nhà trường dự kiến giữ nguyên chỉ tiêu đào tạo chung trong toàn trường nhưng sẽ điều chỉnh để ưu tiên cho các ngành/chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị cũng như lĩnh vực vi mạch – bán dẫn.
Về phương thức và tổ hợp xét tuyển, nhà trường sẽ giữ ổn định như năm trước, tuy nhiên sau khi quy chế tuyển sinh 2025 chính thức được ban hành, nhà trường sẽ điều chỉnh cho phù hợp để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả trong tuyển sinh.
10. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Năm 2025, Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.990 chỉ tiêu cho 62 ngành/chương trình đào tạo đại học chính quy theo 5 phương thức tuyển sinh (trong đó có 10 chương trình đào tạo bằng Tiếng Anh).
Các phương thức tuyển sinh của trường bao gồm:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng theo quy định của BGDĐT. (Không giới hạn chỉ tiêu).
Phương thức 2: Xét tuyển theo điểm chứng chỉ quốc tế/giải học sinh giỏi kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10,11,12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 10%).
Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (chỉ tiêu dự kiến 80%).
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực năm 2025 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10,11,12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 5%).
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá tư duy năm 2025 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10,11,12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển (chỉ tiêu dự kiến 5%).
Nhà trường dự kiến năm tới tuyển sinh 7.990 sinh viên cho 62 ngành và chương trình đào tạo, tăng 340 chỉ tiêu so với năm nay.
11. Học viện Kỹ thuật Quân sự (MTA) tái tuyển sinh hệ dân sự
Sau 6 năm tạm dừng, Học viện Kỹ thuật Quân sự dự kiến tuyển sinh trở lại hệ dân sự với 8 ngành đào tạo gồm: Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, An toàn thông tin, Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa, Kỹ thuật Cơ điện tử, Kỹ thuật Cơ khí và Kỹ thuật Xây dựng.
12. Trường Đại học Thương Mại
Trường Đại học Thương Mại dự kiến tuyển sinh 5020 chỉ tiêu cho 45 chương trình đào tạo vào năm 2025. Các chương trình bao gồm 27 chương trình chuẩn, 2 chương trình Song bằng Quốc tế, 15 chương trình định hướng chuyên sâu nghề nghiệp Quốc tế (IPOP), và 1 chương trình tiên tiến. Đây là sự chuẩn bị kỹ lưỡng của trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc tế.
13. ĐH Bách Khoa HN tăng chỉ tiêu thi đánh giá tư duy
Trường duy trì 3 phương thức tuyển sinh: xét tuyển tài năng, thi đánh giá tư duy (TSA) và xét điểm thi THPT. Chỉ tiêu tuyển sinh bằng thi THPT giảm xuống 40%, thay vào đó là tăng chỉ tiêu thi TSA.
Nguồn: Dân Trí; Lao Động